Phát huy giá trị tài nguyên bản địa trong khởi nghiệp

nông trại Herbal Farm

Thực hiện đề án 939 của Chính phủ về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”, phong trào phụ nữ khởi nghiệp đã đạt đã được nhiều kết quả quan trọng. Các sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ ngày càng đa dạng và phong phú, đặc biệt phát huy được giá trị tài nguyên bản địa, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Sinh ra từ vùng sơn cước có tiềm năng phát triển dược liệu, chị Trương Thị Sơn, ở thôn Chiềng Khạt, xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh luôn trăn trở vì nhiều loại dược liệu vốn là bài thuốc chữa bệnh của bà con miền núi đang dần bị mai một. 

Phát huy giá trị tài nguyên bản địa trong khởi nghiệp - Ảnh 2.

Với đam mê tìm tòi, nghiên cứu về các loại cây thuốc, và để phát huy tốt nhất giá trị các loại thảo dược của địa phương, sau khi tốt nghiệp Đại học Hồng Đức, chị Sơn đã tiếp tục học nghề y dược cổ truyền để phát triển các sản phẩm từ dược liệu.

Phát huy giá trị tài nguyên bản địa trong khởi nghiệp - Ảnh 3.
Chị Trương Thị Sơn, Nông trại Herbal fram, xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh

Chị Trương Thị Sơn, Nông trại Herbal fram, xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Ở Lang Chánh bà con có kinh nghiệm hái dược liệu, vì vậy mình muốn khôi phục, kết hợp y học cỏ truyền, cải tiến sản phẩm, tạo thành hàng hóa, tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa”.

Năm 2020, chị Sơn quyết định khởi nghiệp bằng việc thành lập Herbal fram (Nông trại thảo mộc). Cùng với việc thu mua dược liệu của bà con hái được trong tự nhiên, chị đã liên kết với các hộ dân trồng 35 ha gồm ngải cứu, sả và các loại thảo mộc khác. 

Phát huy giá trị tài nguyên bản địa trong khởi nghiệp - Ảnh 4.

Từ cây dược liệu, chị đã chế biến ra trên 20 sản phẩm chăm sóc sức khỏe như:  trà, tinh dầu, lá xông, ngâm chân, nhang ngải cứu, gối ngủ thảo dược… Các sản phẩm chủ yếu được sản xuất theo đơn đặt hàng của các đại lý và cơ sở chăm sóc sức khỏe. Một số sản phẩm của nông trại đã đạt chứng nhận OCOP, và năm nay, chị Sơn đang phát triển thêm 3 sản phẩm OCOP.  

Phát huy giá trị tài nguyên bản địa trong khởi nghiệp - Ảnh 5.

Đặc biệt, từ việc sản xuất gối ngủ thảo mộc, với nguyên liệu từ bông tự nhiên và ngải cứu, vỏ gối từ thổ cẩm và tơ tằm, chị Sơn đã góp phần khôi phục nghề dệt truyền thống. Hiện Nông trại thảo mộc tạo việc làm cho 50 lao động. 

Bà Lê Thị Tiền, thôn Chiềng Khạt, xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh cho biết, từ khi có nông trại thảo mộc, chị em quanh đây đến làm dệt thổ cẩm, rất vui và phấn khởi vì vừa được làm nghề truyền thống lại có thu nhập ổn định. Chị Trương Thị Sơn, Nông trại Herbal fram, xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết thêm, nông trại sẽ có chiến lược sát sao để hoàn thiện hơn sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.

Phát huy giá trị tài nguyên bản địa trong khởi nghiệp - Ảnh 6.

Còn tại huyện Như Xuân, từ một khu đồi lau lách, sau nhiều nỗ lực của chị Nguyễn Lê Ngọc Linh, “Vườn rừng bản Thổ” ở thôn Thanh Xuân, xã Hoá Quỳ, đã trở thành một hệ sinh thái rừng tự nhiên, đa tầng tán với nhiều giống cây bản địa, đa dạng nguồn thu. Chị Linh đã liên kết với nhiều hộ nuôi ong trên địa bàn, dùng mật ong kết hợp với các loại dược liệu bản địa như gừng, tỏi tía, nghệ, chùm ngây, lá bạc hà sấy lạnh, tạo ra sản phẩm mật ong lên men, có lợi cho hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch của con người. 

Từ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm mật ong lên men, mỗi năm, chị Linh có thu nhập khoảng 500 triệu đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Sản phẩm mật ong lên men đã được công nhận là sản phẩm OCOP và được ngày càng nhiều người tiêu dùng lựa chọn. 

Phát huy giá trị tài nguyên bản địa trong khởi nghiệp - Ảnh 7.
Chị Nguyễn Lê Ngọc Linh, thôn Thanh Xuân, xã Hoá Quỳ, huyện Như Xuân

Chị Nguyễn Lê Ngọc Linh, thôn Thanh Xuân, xã Hoá Quỳ, huyện Như Xuân cho biết, hiện nay đang có ngày càng nhiều khách hàng quan tâm đến tiêu dùng xanh, góp phần hành động bảo vệ môi trường. Họ sẵn sàng ủng hộ hàng Việt chất lượng và họ sẽ đồng hành cùng mình với sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn.

Thực hiện  Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017- 2025”, từ 2017 đến nay, Hội Liên hiệp phụ nữ Thanh Hóa đã hỗ trợ thành lập trên 800 doanh nghiệp nữ, trên 350 hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ. Thông qua các đề án, dự án, chương trình, Hội Liên hiệp phụ nữ Thanh Hóa đã khai thác các nguồn lực phối hợp với các Sở, ban, ngành để xây dựng mô hình; tăng cường phối hợp với các tổ chức Quốc tế, dự án phi chính phủ, doanh nghiệp, tạo điều kiện để hội viên phụ nữ tiếp cận vốn, nâng cao năng lực, hỗ trợ kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, kết nối thị trường tiêu thụ. 

Phát huy giá trị tài nguyên bản địa trong khởi nghiệp - Ảnh 8.

Đặc biệt, cuộc thi “Ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp” do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức hàng năm đã thu hút hàng trăm ý tưởng, sản phẩm xuất sắc sự tham gia. Qua đó, các sản phẩm nghề truyền thống, sản phẩm bản địa dân dã, thân thuộc… đã được nâng tầm giá trị và trở thành những sản phẩm khởi nghiệp đầy tiềm năng.  

Phát huy lợi thế của địa phương, với bản chất chịu khó, tìm tòi, sáng tạo, cùng sự hỗ trợ của tổ chức Hội phụ nữ, nhiều phụ nữ đã mạnh dạn, tự tin, xây dựng ý tưởng và hiện thực hóa thành những mô hình kinh tế hiệu quả, phát huy tối đa giá trị tài nguyên bản địa, nâng cao thu nhập cho gia đình và tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế xã hội của quê hương.

Theo: truyenhinhthanhhoa.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *